Theo thông tin từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, từ đầu năm đến nay, thị trường BĐS đã phục hồi trên tất cả các phân khúc. Điều đáng nói là các dự án không chỉ tập trung vào việc bán được nhiều hay ít mà đã hướng đến chất lượng sống đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người mua nhà.
Thị trường BĐS đang trong giai đoạn tăng trưởng trở lại. Nếu như từ quý IV/2014 trở về trước là giai đoạn khủng hoảng thì từ đó đến nay, thị trường đã phát triển và lan tỏa ra toàn bộ các phân khúc với tốc độ tăng trưởng nhanh.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, giao dịch thành công được ghi nhận không chỉ ở phân khúc nhà giá rẻ, nhà ở xã hội mà cả các phân khúc từ biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng, đất nền, resort… Cũng theo đó, người mua nhà có nhiều sự lựa chọn và đặt ra yêu cầu cao hơn đối với các sản phẩm mà chủ đầu tư cung cấp.
Thị trường bất động cao cấp thu hút đông đảo khách hàng
“Thị trường giờ đây không chỉ do chủ đầu tư độc quyền thao túng mà chịu sự chi phối từ nhu cầu của thị trường. Nghĩa là nhu cầu của khách hàng cần gì thì chủ đầu tư đáp ứng điều đó”, ông Nam nói.
Thị trường BĐS thời gian qua đã ghi nhận rất nhiều dự án đột phá về chất lượng, đạt tới chuẩn quốc tế của các chủ đầu tư uy tín. Ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VinGroup, doanh nghiệp ghi dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường BĐS thời gian qua, cho biết những mô hình BĐS của Tập đoàn này đều hướng đến một tiêu chuẩn sống chất lượng cao.
Theo đó, nhiều khu đô thị được VinGroup xây dựng đều có các khu vui chơi giải trí ngoài trời, có cây xanh, thảm cỏ nhân tạo. Trong các khu đô thị, ngoài khu biệt thự, ở các chung cư cao tầng được chú trọng xây tầng hầm để dành không gian bên trên cho mục đích vui chơi giải trí của cư dân.
“Cảnh quan, không gian xanh luôn được quan tâm, các khu đô thị không có bụi, rác, được vệ sinh sạch sẽ, không khí trong lành. Yếu tố an ninh, phòng cháy chữa cháy cũng được VinGroup đáp ứng”, ông Hiệp cho hay.
Xu thế tất yếu
Hiện nay, những căn hộ có tiêu chuẩn sống cao, độc đáo chủ yếu mới chỉ xuất hiện ở những khu chung cư cao cấp và đi liền với đó là một mức giá khá cao. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, không sớm thì muộn, xu hướng này sẽ lan rộng sang các phân khúc thấp hơn bởi đó là xu hướng của thế giới. Nếu chủ đầu tư không tự thay đổi thì sẽ không bán được hàng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), từ nay đến năm 2020, phát triển chung cư sẽ là trọng tâm, là định hướng phát triển của ngành. Nguồn cung sẽ không ngừng tăng, do đó cạnh tranh sẽ khốc liệt.
Theo số liệu của cục này, quý I/2016 tại Hà Nội đã có 10.000 căn hộ được mở bán, tăng 13% so với quý IV/2015. Trong đó, phân khúc bình dân chỉ còn 45%, giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2014 khi giao dịch căn hộ bình dân, nhà ở xã hội chiếm đến 70% tổng lượng giao dịch. Trong khi đó, phân khúc trung cấp đã tăng lên 50%.
Với tốc độ mở bán mới không ngừng tăng này, để bán được hàng, chủ đầu tư buộc phải tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, chẳng hạn như tận dụng điểm nhấn về không gian xanh, hay các tiện ích xã hội…
Chất lượng chung cư càng ngày được nâng cao
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, giờ đây khi xây nhà cần hướng đến những khu nhà ở có dịch vụ tốt. Do đó, các nhà chính sách phải định hướng các chủ đầu tư. Có những dự án ở vị trí đắc địa 100 triệu đồng/m2 nhưng giao thông chưa tốt thì cũng không nên cho phép xây dựng. Chẳng hạn như khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội), dù là khu đô thị kiểu mẫu nhưng tỷ lệ xây dựng lại quá cao, trong khi giao thông bao nhiêu năm không được cải thiện.
Một vấn đề nữa cũng được các chuyên gia đề cập tới, đó là tiêu chí để phân loại nhà ở, thế nào là nhà ở trung bình, nhà ở cao cấp, siêu sang… Cần có tiêu chí rõ ràng, không để các chủ đầu tư tự phong. Từ đó, sẽ gắn với các tiêu chuẩn về hạ tầng giao thông, thoát nước, chỗ đỗ xe, trường học, bệnh viện, chỗ vui chơi giải trí…