Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM đánh giá bất động sản vừa là chim báo bão, vừa làm chim én của nền kinh tế.
Theo ông Lê Hoàng Châu, bất động sản là một trong những ngành quan trọng nhất của nền kinh tế. Bất động sản sử dụng nguyên vật liệu, trang thiết bị, kể cả chất xám của rất nhiều ngành nghề khác nhau.
Vừa là chim báo bão, vừa là chim én của nền kinh tế
Với mỗi tòa chung cư mọc lên là có hàng chục nghìn sản phẩm của nhiều ngành kinh tế khác nhau được tiêu thụ cấu thành. Từ ngành vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép…), ngành trang điện dân dụng (dây điện, bóng đèn…), trang trí nội, ngoại thất, cây cảnh… Một họa sỹ tưởng chừng như không liên quan nhưng cũng có những sản phẩm góp mặt trong một dự án bất động sản.
Bởi vì điều này, nhiều người ví bất động sản như “hộ tiêu dùng lớn nhất” trong nền kinh tế, đóng góp vào sự phát triển chung của nhiều ngành nghề cộng lại. Bất động sản như một cấu hình nền cho các ngành kinh tế khác phát triển, kể cả lĩnh vực sáng tạo.
Người đứng đầu Hiệp hội BĐS TP.HCM chia sẻ nhiều người nghĩ bất động sản chỉ là nhà ở, nhưng thực tình liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như bất động sản bán lẻ, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản du lịch, bất động sản bệnh viện, bất động sản công nghiệp, bất động sản trường học…
Tuy nhiên bất động sản nhà ở vẫn làm người tiêu dùng dễ cảm nhận nhất. Riêng nhà ở cũng chia ra nhiều phân khúc như cao cấp, trung cấp, bình dân, xã hội…
Lực lượng lao động trong ngành bất động sản cũng rất lớn với nhiều công ty xây dựng, công ty dịch vụ xây dựng kèm theo, công ty quản lý bất động sản sau bán…. Ngoài ra còn có nhiều doanh nghiệp ngành khác có liên quan đến đến bát động sản theo chuỗi giá trị.
Về vai trò của bất động sản với nền kinh tế nói chung, ông Châu cho rằng thị trường BĐS phát triển bền vững thì nền kinh tế mới phát triển bền vững. Nó vừa có vai trò là chim báo bão, vừa có vai trò là chim én cho nền kinh tế. Bất động sản được ví như “hai loại chim là báo bão và chim én”.
Nó là con chim báo bão; khi thị trường BĐS khủng hoảng báo hiệu nền kinh tế có nguy cơ khủng hoảng. Trên thực tế, khủng hoảng của nền kinh tế thường xuất phát từ khủng hoảng của BĐS. Và thường khi BĐS phục hồi cũng báo hiệu nền kinh tế phục hồi theo.
Giai đoạn chững lại cũng dẫn tới nguy cơ khủng hoảng đóng băng hoặc tăng trưởng tùy sự điều hành của chính phủ. Nếu doanh nghiệp ứng xử không khéo sẽ rơi vào sốt lên thành bong bóng.
Nước muốn hùng cường phải có thương hiệu tầm quốc tế
Chia sẻ về các doanh nghiệp bất động sản ngày càng lớn mạnh hiện nay, ông Châu hồ hởi cho rằng một đất nước muốn hùng cường phải có những thương hiệu quốc gia, thương hiệu đạt tầm quốc tế. Vì vậy, ông luôn ủng hộ những doanh nghiệp làm ăn có tâm, đóng góp cho sự phát triển của xã hội, cho cả nền kinh tế.
“Họ đã góp phần thay đổi xã hội, biến nhiều khu đất hoang thành những khu đô thị lớn, giải quyết nhà ở cho nhiều người dân. Họ cũng đóng góp vào nhiều ngành khác nhau, góp phần thúc đẩy nhiều ngành phát triển, chứ không riêng thì bất động sản”, ông Châu nhấn mạnh.
Người đứng đầu Hiệp hội BĐS TP.HCM chia sẻ trên thị trường có nhiều doanh nghiệp BĐS còn làm ăn không chính đáng, lập nhiều công ty ma, lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng để lừa đảo. Cũng có nhiều trọc phú phất lên từ BĐS nhưng cũng có những người giàu lên một cách chính đáng, giàu lên từ sự cố gắng nỗ lực của họ.
“Tôi rất mừng khi nhiều doanh nghiệp lớn của nền kinh tế đã góp phần tạo ra của cải xã hội nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp đã kinh doanh thêm nhiều ngành nghề khác nhau ngoài BĐS. Điều này không chỉ thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế mà còn thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội.
Đặc biệt, tôi rất ủng hộ nhiều doanh nghiệp lớn đang chung tay phát triển nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội. Điều này thể hiện trách nhiệm xã hội, giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình sớm đạt được ước mơ sở hữu nhà ở trong tương lai. Đó vừa là sự phát triển của doanh nghiệp, vừa là sự phát triển của cả đất nước”, ông Châu chia sẻ thêm.
Nguồn: news.zing.vn