Tăng đều qua mỗi năm, kiều hối về Việt Nam trong những năm trở lại đây luôn là một trong số những dòng vốn quan trọng để phát triển kinh tế trong nước. Đặc biệt, một lượng lớn đổ vào thị trường bất động sản đã góp phần tăng đáng kể thanh khoản của thị trường.
Kiều hối kỷ lục, “làm nóng” thị trường
Nhờ nới lỏng quy định sở hữu nhà ở cho người nước ngoài, cộng thêm triển vọng tăng trưởng đầy khả quan, lượng kiều hối đổ về Việt Nam đã đạt mức kỷ lục trong thời gian qua. Đây là một tác nhân lớn khiến cho thị trường bất động sản sôi động trở lại sau thời gian dài ảm đạm.
Hiện có khoảng 5 triệu Việt kiều trên thế giới, bao gồm người Việt định cư và làm việc ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Tính đến năm 2010, có khoảng 1,5 triệu người gốc Việt đang sinh sống tại Mỹ.
“Khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu hồi phục từ năm 2014, nhiều người đã vay tiền để mua nhà. Nhưng giờ đây, chúng tôi nhận thấy xu hướng này ngày càng ít mà thay vào đó, xu hướng mua nhà dựa vào nguồn kiều hối đang ngày một nhiều hơn”, ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho hay.
Theo Ngân hàng Nhà nước, có tới 1/5 lượng kiều hối trong năm 2015 đã chảy vào bất động sản. Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng kiều hối sẽ đạt mức kỷ lục 14 tỷ USD trong năm nay, tăng 15% so với năm 2015 và tương đương 6,4% GDP của Việt Nam. Lượng kiều hối thực tế về Việt Nam được cho là còn cao hơn mức dự báo của Ngân hàng Nhà nước. Theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, khoảng 2,7 tỷ USD kiều hối được gửi về Việt Nam thông qua các kênh không chính thức.
Số liệu thống kê cho thấy, cả nước đã có hơn 7.000 kiều bào đứng tên sở hữu nhà ở tại Việt Nam kể từ khi Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép kiều bào mua nhà trong nước được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2014.
Chuyên gia kinh tế nhận định rằng kiều hối về Việt Nam hầu hết đều tăng qua mỗi năm. Nhưng trong năm vừa qua lượng tiền này chuyển về Việt Nam càng sôi động hơn, đặc biệt ở thị trường bất động sản. Sự ấm lên của thị trường địa ốc là cơ sở để thu hút kiều hối chảy về lĩnh vực này tăng cao. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải cách cơ chế, chính sách, thúc đẩy tự do hoá tài chính, hội nhập.
Việt Kiều mua nhà cho “tây” thuê
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho biết, nguồn kiều hối đang có sự dịch chuyển trở lại đối với thị trường bất động sản sau một thời gian dài lĩnh vực này đóng băng và giao dịch trầm lắng. Thị trường khởi sắc nên các kiều bào bắt đầu nhìn thấy cơ hội.
Thực tế cùng với các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm ngân hàng, mua vàng, đầu tư chứng khoán… thì đầu tư vào bất động sản vẫn chiếm một tỷ lệ nhất định. Đặc biệt, nhiều người đã nhìn thấy tiềm năng của thị trường trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, và đón nhiều người nước ngoài tới Việt Nam làm việc.
Vũ Ngọc Mai, giám đốc kinh doanh của một công ty thiết bị viễn thông tại Bỉ và có hộ chiếu Hà Lan, cho biết cô tìm kiếm các khoản đẩu tư bất động sản giá hời trên internet gần như mỗi ngày. Năm 2012, cô đã gửi tiền về Việt Nam để xây một khu căn hộ tại Hà Nội nhằm cho thuê lại.
“Hiện tôi đang tìm mua nhà tại một khu căn hộ để cho người nước ngoài thuê lại. Căn hộ này sẽ là khoản tiết kiệm của tôi cho tương lai khi quay trở lại Việt Nam”, Mai cho biết.
Tổng giám đốc Công ty TNHH Jones Lang LaSalle Việt Nam, Stephen Wyatt từng đánh giá, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới trong tương lai, với lợi thế năng suất lao động cao và chi phí nhân công thấp. Điều này đồng nghĩa ngày càng nhiều các công ty và doanh nghiệp mới sẽ gia nhập thị trường Việt Nam, nhiều khả năng đến từ các công ty và doanh nghiệp đang có mặt tại thị trường Trung Quốc.
Theo ông Stephen Wyatt, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều khi viễn cảnh này được hiện thực hóa, nhu cầu ở những phân khúc: công nghiệp, văn phòng cho thuê, nhà ở và mặt bằng bán lẻ cũng sẽ trở nên nhộn nhịp hơn. Nguồn cầu đến từ các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước thành lập mới, số lượng nhân công mới và sức mua gia tăng trên diện rộng.
Chuyên gia này nhận xét, việc các công ty, doanh nghiệp nước ngoài thành lập mới hoặc mở rộng tại Việt Nam sẽ mang đến một số lượng ngày càng nhiều các chuyên gia nước ngoài, cộng với luật cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản sẽ giúp cho phân phúc nhà ở (mua hoặc thuê căn hộ) hoạt động tích cực hơn nữa.
Nguồn: http://dantri.com.vn